HOTLINE: 0865.515.158
ベトナム
英語

Hướng dẫn chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách từ A-Z

Chăm sóc trẻ sơ sinh như thế nào để bảo vệ sức khỏe và cho con sự phát triển tốt nhất? Tham khảo những thông tin dưới đây để có thêm kiến thức, kinh nghiệm tự tin chăm sóc bé yêu mẹ nhé!

Bế trẻ sơ sinh đúng cách

Trẻ sơ sinh mới lọt lòng, hệ thống cơ xương còn rất mềm nên tư thế bế an toàn và dễ nhất là cho trẻ nằm ngang trong vòng tay. Mẹ cố gắng giữ cho phần đầu và cổ của trẻ nằm thẳng trên một tay, tay còn lại đỡ mông và ôm sát để bụng trẻ ép vào bụng mẹ, mặt quay vào ngực mẹ. Khi bế mẹ nên vuốt ve và âu yếm để gắn kết tình cảm đồng thời cũng giúp cho các giác quan của con phát triển.

Đến 3 - 5 tháng tuổi, có thể bế thêm theo hướng thẳng đứng, tuy nhiên không giữ trong tư thế này quá lâu. Thời điểm này không nên bế xốc, rung lắc hay đưa nôi quá mạnh gây tổn thương đến cơ thể trẻ.

Với những trẻ từ 6 tháng tuổi trở đi, mẹ có thể bế theo nhiều tư thế khác nhau bởi hệ xương đã cứng cáp hơn. Nhưng mẹ cần lưu ý tuyệt đối không bế ngang hông trẻ, tránh ảnh hưởng đến dáng đi của con sau này.

Chăm sóc trẻ sơ sinh khi cho bú

Khi mới sinh, dạ dày của trẻ còn rất nhỏ nên chỉ chứa được khoảng 30 - 90ml sữa mỗi lần bú. Trong 24h đầu khi mới chào đời, mẹ nên cho bú cách khoảng 2 - 3 tiếng một lần, mỗi cữ bú kéo dài khoảng 15 - 30 phút tùy vào lượng sữa mẹ và nhu cầu của trẻ. Khi đói, trẻ sẽ bộc lộ một số dấu hiệu như khóc to, chép môi, mút tay, quay đầu để tìm ti mẹ,... để nhắc mẹ cho ăn.

Trẻ sơ sinh ngủ rất nhiều, thậm chí ngủ quên ăn nên đến cữ mẹ đánh thức trẻ dậy bú, nếu không trẻ đói sẽ bị hạ đường huyết. Mẹ nên đánh thức bằng cách cù chân nhẹ nhàng hay vỗ nhẹ con, tuyệt đối không lay người vì có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh non nớt.

Mẹ không nên cho trẻ vừa nằm vừa bú vì sẽ khiến trẻ dễ bị sặc, nôn trớ. Sau khi bú, mẹ nên để trẻ tựa trên vai, đỡ mông và vỗ nhẹ lưng để giảm ợ hơi cho bụng được dễ chịu. Nếu thấy trẻ bị nấc trong 24h đầu mới sinh là hiện tượng bình thường nên mẹ không cần lo lắng.

Thông thường khi cho trẻ bú mẹ thực hiện 2 bước đơn giản sau:

  • Bước 1: Vệ sinh đầu vú bằng khăn sạch và nước ấm, mẹ ôm con vào lòng sao cho mũi ngang với núm vú. Bế con để ngực áp vào ngực mẹ, bụng áp vào bụng mẹ là tư thế cho con bú đúng, mẹ nhé!
  • Bước 2: Nhẹ nhàng đưa đầu vú chạm vào mũi bé, kích thích con mở miệng, ngay khi đó, mẹ vòng tay xuống dưới người đỡ phần lưng và vai để ôm sát con vào người. Cố gắng cho con ngậm cả quầng vú mẹ.

Cách tắm cho trẻ sơ sinh

Trước khi tắm, mẹ cần chuẩn bị như sau:

  • Rửa tay thật sạch.
  • Khăn xô nhỏ, khăn xô lớn, quần áo, mũ, bao tay, vớ…
  • Gạc, bông gòn, tăm bông, băng rốn vô trùng.
  • Nước muối sinh lý 0,9%.
  • Đảm bảo xung quanh không có gió lạnh phả vào người trẻ, cởi áo và tã rồi tiến hành massage. Dùng nước sạch pha với nước sôi có nhiệt độ khoảng 36 – 38°C là thích hợp. Lưu ý là trong khi tắm, mẹ nên trò chuyện âu yếm với trẻ để con cảm nhận được tình yêu thương.

Chuẩn bị xong, mẹ tiến hành tắm cho trẻ theo các bước sau:

  • Đặt trẻ nằm trên mặt phẳng, dùng bông gòn thấm nước muối sinh lý lau mắt cho trẻ theo hướng từ trong ra ngoài.
  • Dùng tăm bông để làm sạch lỗ mũi trẻ.
  • Lau mặt.
  • Bế trẻ lên và gội đầu: Ép nhẹ 2 vành tai vào sát lỗ tai để tránh nước chảy vào tai. Tay kia dùng khăn thấm nước làm ướt tóc, sau đó lấy một ít dầu gội thoa đều lên tóc rồi xả lại cho sạch, dùng khăn lau khô đầu trẻ.
  • Khi chưa rụng rốn, mẹ nên dùng khăn mềm lau người cho trẻ, tránh làm ướt rốn. Nếu muốn tắm thì đặt trẻ vào trong chậu nước có hòa sẵn chút sữa tắm để tắm nhưng sau đó cần lau khô vùng rốn để tránh nhiễm khuẩn. Khi tắm, chú ý vệ sinh cơ thể trẻ ở những phần có nhiều nếp gấp da như cổ, nách, chân, sau gáy, bẹn, vùng sinh dục,…
  • Cho trẻ sang chậu nước tắm khác để tắm cho sạch lại.
  • Đặt trẻ nằm trên giường hoặc mặt phẳng có lót khăn xô lớn, dùng khăn lau khô và ủ ấm cho trẻ.
  • Nhỏ nước muối sinh lý để làm sạch mắt, mũi rồi dùng bông gòn lau từ trong ra ngoài. Dùng tăm bông/bông gòn để làm sạch vùng bên ngoài tai cho trẻ. 
  • Nhỏ nước muối sinh lý lên gạc rơ lưỡi để làm vệ sinh miệng cho bé.
  • Dùng bông gòn thấm sạch nước quanh rốn, dùng tăm bông thấm nước muối sinh lý lau khô rốn. Mẹ nên để rốn thoáng, tránh quấn băng gạc ngay nhằm giúp rốn mau khô, nhanh rụng hơn.
  • Mặc áo, tã, bao tay, vớ và cho bú ngay nếu thấy trẻ có nhu cầu.

Với trẻ mới sinh, nhất là khi thời tiết quá lạnh thì không nhất thiết phải tắm hàng ngày mà chỉ nên duy trì 2 - 3 ngày/lần.

Chăm sóc da cho trẻ sơ sinh

Da trẻ sơ sinh còn non yếu rất dễ bị tổn thương và nhiễm trùng, cho nên mẹ cần lưu ý:

  • Tránh để da trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng: Chọn mua quần áo chất liệu mềm, cắt bỏ nhãn mác. Dùng xà phòng loại chuyên dụng cho trẻ nhỏ hay cho da nhạy cảm để giặt đồ. Mẹ nên dùng các sản phẩm nhẹ dịu đã được kiểm chứng lâm sàng để tránh kích ứng da.
  • Hạn chế để da trẻ tiếp xúc với phân và nước tiểu: Nên thay tã cho trẻ ngay sau khi tè hay ị. Chọn loại tã phù hợp với da trẻ. Nếu không thay thường xuyên thì môi trường nóng ẩm có thể khiến da trẻ bị nhiễm trùng, nhiễm nấm. Mỗi khi thay tã mẹ cần rửa sạch vùng mặc tã với chất làm sạch nhẹ dịu và lau khô.
  • Không để các chất độc hại ảnh hưởng đến mắt trẻ: Trẻ sơ sinh chưa có phản xạ nhắm mắt và bài tiết nước mắt nên mẹ cần giữ trẻ tránh xa khói thuốc lá hoặc nơi môi trường bị ô nhiễm. Dùng các sản phẩm chăm sóc da và tóc nhẹ dịu, không gây cay mắt.
  • Luôn giữ da trẻ có độ ẩm thích hợp: Việc tắm rửa quá nhiều hay khí hậu hanh khô có thể khiến da trẻ mất nước. Khi da khô hay bong tróc mẹ nên bôi kem dưỡng ẩm cho trẻ.

Bên cạnh đó, mẹ có thể nên cho trẻ tắm nắng hàng ngày để trẻ có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nâng cao sức đề kháng.

Vệ sinh miệng, lưỡi, tai, mũi, móng tay, móng chân cho trẻ

Đây là những nơi mẹ cần lưu ý kiểm tra vệ sinh thường xuyên cho trẻ để tránh vi khuẩn có hại.

  • Vệ sinh mũi: Nhỏ mỗi bên 1 giọt nước muối sinh lí để, sau đó dùng má ngón tay day day 2 bên sống mũi để bong gỉ mũi. Dùng tăm bông để thấm nhẹ nhàng và lấy dịch, gỉ mũi ra.
  • Tai: Dùng tăm bông/bông gòn thấm nước ở vành tai, ngoài tai sau tắm và không nên ngoáy sâu bên trong tai trẻ. Khi ráy tai tích tụ quá nhiều hay quá khô, vón cục thì lúc này mẹ cần dùng khăn bông mỏng mềm thấm nhẹ xung quanh vành tai và xoắn nhẹ một góc của chiếc khăn, từ từ đưa sâu vào bên trong tai và tiếp tục xoắn lại. Ráy tai sẽ theo đường xoắn của khăn bông được lấy ra.
  • Mắt: Dùng nước muối sinh lý thấm ướt gạc vô trùng, lau nhẹ nhàng theo chiều từ đầu đến đuôi mắt. Vệ sinh 3 lần vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, sau khi tắm và buổi tối trước khi đi ngủ. Sau đó mẹ nên rửa mặt cho trẻ bằng khăn sạch và nước ấm.

  • Miệng lưỡi: Mẹ rửa tay sạch, quấn gạc quanh ngón trỏ hoặc đeo gạc tưa lưỡi hình ống, nhúng vào dung dịch NaCl 0,9% hoặc nước đun sôi để nguội. Chạm nhẹ vào môi dưới để trẻ mở miệng, nhẹ nhàng lau vòm miệng và massage nướu trẻ trước. Cuối cùng đặt ngón tay vào trong phía gốc lưỡi kéo ra phía ngoài để loại bỏ cặn sữa. Thực hiện đều đặn ngày 2 lần, không vệ sinh miệng khi trẻ vừa ăn xong, không đưa ngón tay vào sâu trong miệng vì có thể khiến trẻ bị nôn trớ.
  • Vệ sinh móng tay, chân: Khi móng tay, chân của trẻ dài mẹ nên cắt ngay để tránh việc trẻ tự cào xước da mình. Thời gian cắt lý tưởng là sau khi tắm, lúc này móng tay trẻ mềm, dễ làm.

Chăm sóc trẻ sơ sinh không nên bỏ qua massage

Sau khi được 1 tháng tuổi mẹ hãy bắt đầu tiến hành chế độ massage cho trẻ. Thời điểm tốt nhất là khi trẻ tỉnh táo, được nghỉ ngơi đầy đủ và có vẻ thích thú với môi trường. Mẹ có thể lựa chọn buổi sáng, trước lúc tắm hoặc lúc chiều tối giúp trẻ có giấc ngủ ngon và sâu hơn. Cách massage là đặt cơ thể trẻ nằm lên trên một tấm chăn bông mềm mại được trải trên mặt phẳng, sử dụng dầu an toàn, lành tính và dịu nhẹ như dầu olive hoặc dầu massage chuyên dùng cho trẻ sơ sinh, bắt đầu với đôi bàn chân, sau đó đến hai cánh tay, tiếp đến là vùng ngực, vai, bụng và cuối cùng là vùng đầu và lưng. Mẹ có thể bật các bản nhạc nhẹ du dương để trẻ thư giãn hơn và tham khảo các bài massage đúng chuẩn dành cho trẻ sơ sinh.

Mẹ cần tránh massage khi trẻ khi vừa ăn no vì dễ gây đau bụng và khó chịu. Sau khi massage mẹ nên đợi 15 phút sau mới cho bú lại để cơ thể trẻ có thêm thời gian thư giãn hoàn toàn.

Chăm sóc giấc ngủ cho trẻ sơ sinh

Đối với trẻ sơ sinh giấc ngủ rất quan trọng, nếu thiếu ngủ hoặc ngủ không ngon giấc sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển. Khi chăm sóc giấc ngủ cho trẻ mẹ cần lưu ý một số điều sau:

  • Tư thế nằm ngủ: Đặt trẻ nằm ngửa là tư thế ngủ tốt nhất.
  • Nhiệt độ phòng ngủ: Giữ trên 26 độ C là tốt nhất. Mẹ nên nằm cạnh và đảm bảo việc theo dõi con thường xuyên.
  • Thời gian ngủ: Trẻ sơ sinh cần thời gian ngủ trung bình là 18 - 20 giờ mỗi ngày.
  • Chất lượng giấc ngủ: Trước khi cho trẻ vào giấc ngủ mẹ nên dỗ dành, vỗ về bằng một vài động tác hay mát xa nhẹ nhàng để trẻ đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn. Đảm bảo xung quanh trẻ không có tiếng ồn để tránh trẻ giật mình tỉnh giấc. Đặc biệt lưu ý trong việc ru ngủ là không nên rung lắc quá mạnh bởi điều này có thể ảnh hưởng tới não bộ, tổn thương cơ thể non nớt của trẻ.
  • Cho trẻ bú no sữa: Khi bị đói trẻ sơ sinh cũng dễ quấy khóc và không ngủ. Cho nên mẹ cần lưu ý cho trẻ bú no để trẻ không bị thức giấc vì đói bụng và giấc ngủ sẽ kéo dài hơn.
  • Tắt đèn trước khi đi ngủ: Khi cho trẻ ngủ buổi tối mẹ nên tắt đèn để trẻ phân biệt được ban đêm, nhận biết đến giờ đi ngủ và trẻ sẽ mau chóng hình thành giấc ngủ dễ dàng hơn.
  • Sử dụng âm thanh: Bật nhạc là một cách giúp trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ và ngủ sâu giấc hơn. Tuy nhiên, không nên để các thiết bị như điện thoại di động, máy nghe nhạc quá gần với chỗ nằm của trẻ.
  • Kiểm tra tã: Khi thấy trẻ quấy khóc khi đang ngủ thì mẹ hãy kiểm tra xem tã có bị ẩm ướt không bởi đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ khó chịu và thức giấc quấy khóc.

Mẹ lưu ý tập cho trẻ thói quen ngủ vào những thời điểm bình thường như 8 giờ sáng, 10 giờ sáng, 12 giờ trưa, 3 giờ chiều, 5 giờ chiều và 7 giờ tối. Chia độ dài mỗi giấc ngủ khác nhau làm sao đủ từ 18 tiếng. Có như vậy trẻ sẽ hình thành nếp ngủ quen thuộc và dễ dàng hợp tác với mẹ hơn.

Thay tã cho trẻ sơ sinh

Dù tã có bẩn hay không thì trung bình sau mỗi 4 giờ mẹ nên thay để đảm bảo vệ sinh, an toàn cho trẻ. Tuy nhiên khi phát hiện trẻ “tè dầm” hay làm ướt tã thì mẹ phải thay ngay để tránh vết bẩn, vi khuẩn bám chặt vào làn da của trẻ.

Trong những ngày tháng đầu đời, nếu có điều kiện mẹ có thể cần rút ngắn thời gian thay tã cho trẻ từ 2 - 3 tiếng/ lần.

Một ngày của trẻ sơ sinh chỉ xoay quanh các hoạt động: bú, ngủ, tắm rửa, vệ sinh, thi thoảng cất tiếng khóc để ra tín hiệu cho mọi người biết. Do đó, mẹ hãy nắm vững cách chăm sóc để tạo điều kiện cho con có một sức khỏe và sự phát triển tốt nhất nhé!

Thông tin liên hệ

- Hotline: 1900 299256

- Facebook:  https://www.facebook.com/vichatchobe.official

- Shopee: https://shopee.vn/vichatchobe?smtt=0.0.9

Đọc thêm

4 nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh chậm tăng cân và giải pháp

Tổng quan: Viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh mẹ cần biết

Bài trước Bài sau