HOTLINE: 0865.515.158
ベトナム
英語

Sốt xuất huyết ở trẻ em: Dấu hiệu cách điều trị và phòng tránh

Dịch sốt xuất huyết đang lan rộng, đây là một trong những căn bệnh gây tử vong hàng đầu ở trẻ em, do đó cha mẹ cần hết sức đặc biệt lưu ý đến nó. Cần biết được những triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em để chăm sóc và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm. 

Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em

Sốt xuất huyết ở trẻ em có nhiều giai đoạn với những biểu hiện khác nhau. Bệnh chuyển biến từ nhẹ đến nặng qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Giai đoạn sốt

Giai đoạn đầu của bệnh sốt xuất huyết của trẻ em, trẻ thường sốt cao liên tục kéo dài trong 2 - 5 ngày. Trẻ sẽ quấy khóc, đau đầu, cảm thấy chán ăn, buồn nôn. Các dấu hiệu xuất huyết như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, phát ban, nổi mẩn trên da…

Giai đoạn nguy hiểm

Sau khoảng 3 -7 ngày kể từ khi bắt đầu sốt trẻ có thể bước vào giai đoạn nguy hiểm. Lúc này trẻ đã hạ sốt, nhưng sẽ có biểu hiện tăng tính thấm thành mạch gây thoát huyết tương. Huyết tương thoát ra ồ ạt làm bụng bị chướng, kéo dài 24 -48h, lúc này nguy cơ tử vong ở trẻ sốt xuất huyết rất cao.

Có những trẻ tuy mang bệnh sốt xuất huyết, nhưng lại không có biểu hiện xuất huyết. Vậy nên dù có hoặc không có triệu chứng xuất huyết thì bệnh vẫn có thể đang ở mức nguy hiểm. Một trong những biến chứng nguy hiểm đó là trẻ bị sốc, khi đó trẻ giảm tri giác, giảm thân nhiệt và giảm huyết áp.

Ở giai đoạn nguy hiểm này, khi xét nghiệm máu thấy lượng tiểu cầu giảm mạnh chỉ còn dưới 100.000/mm3, trường hợp nặng trẻ có thể bị rối loạn đông máu, vô cùng nguy kịch.

Giai đoạn hồi phục

Sau giai đoạn nguy hiểm khoảng 48 - 72h là giai đoạn phục hồi. Lúc này trẻ hết sốt, hết mệt mỏi, có cảm giác thèm ăn, huyết áp ổn định và đi tiểu nhiều hơn. Giai đoạn này xét nghiệm máu sẽ thấy số lượng bạch cầu tăng, số lượng tiểu cầu trở về mức ổn định bình thường.

Cách điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em

Khi phát hiện con có những biểu hiện sốt xuất huyết ở trẻ, cần đưa trẻ đến bệnh viện khám và chẩn đoán. Phần lớn khi trẻ bị sốt xuất huyết đều có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ được và đến tái khám theo đúng lịch. Dưới đây là một số lưu  ý khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết.

  • Khi trẻ sốt cao 39 độ, bám mẹ cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ, nới lỏng quần áo, lau mát cho trẻ. Tuyệt đối không được dùng aspirin hay ibuprofen, vì có thể dẫn đến xuất huyết.
  • Cho bé uống nhiều nước, oresol hoặc nước trái cây để bù nước và các chất điện giải cơ thể bị mất đi.
  • Trẻ bị sốt xuất huyết thường mệt mỏi dẫn đến ăn không ngon, vì thế ba mẹ nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, nấu món mềm, dễ tiêu để bé dễ ăn hơn.
  • Liên tục theo dõi tình trạng của trẻ để kịp thời phát hiện những biến chứng nguy hiểm.

Khi trẻ có một trong những dấu hiệu sau, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ điều trị:

  • Nôn ói nhiều, lờ đờ, không tỉnh táo
  • Đau bụng ngày càng nặng;
  • Da xung huyết nhưng tứ chi lạnh;
  • Xuất huyết tiêu hóa đột ngột

Phòng chống sốt xuất huyết ở trẻ em

Hiện nay vẫn chưa có vacxin phòng chống bệnh sốt xuất huyết do đó cha mẹ nên có những biện pháp phòng chống cho trẻ. Chủ động kiểm soát côn trùng lây bệnh như bọ gậy, muỗi và vệ sinh môi trường sống sạch sẽ bằng các biện pháp sau:

  • Đậy kín dụng cụ có chứa nước để muỗi không thể đẻ trứng vào.
  • Hàng tuần nên vệ sinh các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như: Bình đựng nước, thùng chứa nước…
  • Thu dọn tất cả những dụng cụ có thể chứa nước như chai lọ, ống bơ, vỏ dừa để tranh khi trời mưa bị đọng nước tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi.
  • Vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, lật úp các vật dụng chứa nước khi chưa dùng đến.

Các biện pháp phòng tránh muỗi đốt:

  • Cho trẻ mặc quần áo dài tay;
  • Khi ngủ giăng màn, kéo rèm (kể cả ban ngày);
  • Sử dụng kem chống muỗi, bình xịt diệt muỗi, nhang hương chống muỗi, vợt điện để diệt muỗi thường xuyên.

Sốt xuất huyết ở trẻ em là căn bệnh nguy hiểm và dễ trở nặng đặc biệt là trong mùa nắng nóng là thời điểm dịch bệnh tăng cao. Do đó cha mẹ cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để có những biện pháp phòng tránh, nếu không may trẻ bị bệnh thì có thể nhanh chóng phát hiện và điều trị kịp thời cho con.

Thông tin liên hệ

- Hotline: 1900 299256

- Facebook:  https://www.facebook.com/vichatchobe.official

- Shopee: https://shopee.vn/vichatchobe?smtt=0.0.9

Đọc thêm

- Trẻ bị kiết lỵ: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách phòng tránh và điều trị

- Cách phòng bệnh viêm phế quản ở trẻ nhỏ mẹ nên biết

Bài trước Bài sau
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.