Tổng quan: Viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh mẹ cần biết
Viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh là căn bệnh phổ biến đối với trẻ nhỏ. Nó khiến trẻ đau, khó chịu và ảnh hưởng đến chức năng nghe của trẻ. Vậy ba mẹ nên làm gì khi trẻ bị viêm tai giữa và phòng tránh cho trẻ bằng cách nào?
Viêm tai giữa là gì?
Viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh là tình trang tai giữa của trẻ bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus. Nó gây nên tình trạng sưng, tấy, tích tụ dịch mủ khiến trẻ đau nhức, khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Nguyên nhân gây nên viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh
Tác nhân gây viêm là virus, vi khuẩn ở mũi và họng. Khi trẻ bị viêm mũi, viêm họng do cảm cúm, cảm lạnh, viêm Amidan, viêm xoang, lúc đó vùng xung quanh cửa lỗ vòi nhĩ sẽ đọng dịch nhầy tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Các vi khuẩn, virus sẽ theo vòi nhĩ lên tai giữa.
Ngoài ra còn một số tác nhân có thể gây “thúc đẩy” quá trình viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh đó là:
- Sức đề kháng kém, thể trạng yếu: Miễn dịch của trẻ không đủ để ngăn cản vi khuẩn, virus xâm nhập.
- Thói quen mút tay, ngoáy mũi: Vô tình đưa vi trùng vào đường mũi họng.
- Giai đoạn từ bú sữa sang ăn dặm: Trẻ dễ sặc thức ăn lên mũi tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
- Môi trường sống không tốt: Thay đổi nhiệt độ đột ngột, mùa lạnh, ô nhiễm không khí bởi các loại khói bụi cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm tai giữa
- Bé bị dị tật bẩm sinh: Hở hàm ếch, hội chứng Down.
- Trẻ có cơ địa viêm mũi dị ứng.
- Viêm tai giữa “hàng không”: Xảy ra do chênh lệch khí áp giữa trong màng nhĩ và ngoài màng nhĩ khi đi máy bay thay đổi độ cao đột ngột.
Nhận biết viêm tai giữa ở trẻ
Khi bị viêm tai giữa, trẻ sơ sinh chưa thể biểu đạt được sự khó chịu của mình bằng ngôn ngữ. Tuy nhiên mẹ vẫn có thể phát hiện được ra bằng một số biểu hiện sau:
- Đưa hai tay vào dụi hoặc kéo vành tai: vì trẻ sơ sinh chưa thể nói được nên đây sẽ là thông điệp để bé nói cho mẹ biết tai bé đang có vấn đề.
- Quấy khóc: Đây cũng là một biểu hiện khi bé chưa thể nói cho mẹ biết là mình đang khó chịu. Vì vậy nếu bé đột nhiên quấy khóc nhiều hơn bình thường mẹ hãy quan sát thêm xem con đang khó chịu ở đâu nhé.
- Ngủ không ngon: Viêm tai giữa sẽ bị đau khi ở tư thế nằm do đó trẻ thường ngủ không ngon giấc, trằn trọc khi ngủ, đặc biệt là một hai ngày đầu.
- Bú ít: Do nuốt cũng là động tác gây thay đổi áp suất trong tai khiến bé bị đau, vì vậy bé thường bú ít và khóc khi bú.
- Sốt: Khi bị viêm trẻ thường có biểu hiện sốt, có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao. Theo thống kê có đến 50% trẻ bị sốt do nhiễm trùng tai.
- Chảy dịch tai: Khi mủ “chín” sẽ phá thủng màng nhĩ để tìm được thoát ra ngoài. Mẹ có thể thấy dịch chảy từ tai của trẻ, dịch thường có màu trắng đục, vàng xanh hoặc pha lẫn máu và có mùi hơi tanh. Tuy nhiên lúc này tình trạng đau thuyên giảm, trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
- Đầu mất thăng bằng: Trẻ sẽ có xu hướng nghiêng đầu về phía tai bị viêm.
- Khả năng nghe kém: Trẻ sẽ có thể thờ ơ với sự hỏi han, bắt chuyện từ mẹ.
Viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
Viêm tai giữa là bệnh không nguy hiểm, nhưng nếu bệnh trở nặng không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến chức năng nghe sau này của trẻ. Nặng hơn nữa có thể lan ra các vùng lân cận gây viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết, viêm tắc xoang tĩnh mạch bên.
Trẻ càng nhỏ tuổi thì khả năng biến chứng càng cao, nhất là các bé sơ sinh, vì thế khi con có biểu hiện bệnh kéo dài không đỡ cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay:
- Sốt cao kéo dài trên 2 ngày.
- Nôn ói hoặc tiêu chảy nhiều lần.
- Bị sưng đỏ sau tai.
- Ngủ gà, li bì
- Cáu kỉnh, khóc thét liên tục.
- Bị phát ban trên da.
- Hoàn toàn không có phản ứng với tiếng động mạnh.
Chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm tai giữa
Bệnh viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh nếu vệ sinh sạch sẽ và chăm sóc đúng cách có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên vẫn nên cho bé đi khám để được bác sĩ hưỡng dẫn chăm sóc đúng cách.
Bác sĩ sẽ khám tai cho bé bằng cung cụ chuyên dụng, sau đó tùy vào tình trạng nặng nhẹ mà bác sĩ sẽ định hướng chăm sóc điều trị. Nếu bé sốt và quấy khóc nhiều do đau thì bác sĩ chỉ cho uống thuốc giảm đau hạ sốt thông thường. Đồng thời nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý và theo dõi tại nhà.
Trẻ chỉ dùng kháng sinh khi viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh do vi khuẩn, có thể nguyên phát hoặc thứ phát, tức bội nhiễm vi khuẩn sau nhiễm siêu vi. Lạm dụng kháng sinh có thể gây “nhờn thuốc”. Nếu trẻ bị nặng bác sĩ có thể can thiệp một số biện pháp mạnh hơn như chích màng nhĩ để tháo mủ, đặt ống thông màng nhĩ để thông khí thay cho chức năng vòi nhĩ đang bị mất vì bít tắc.
Phòng bệnh viêm tai giữa ở trẻ
Theo các chuyên gia khuyến cáo biện pháp phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh tốt nhất đó là tiêm vacxin phòng ngừa về bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Ngoài ra các mẹ lưu ý một số biện pháp sau:
Tăng đề kháng cho con bằng cách cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng qua bữa ăn hàng ngày hoặc thực phẩm tăng đề kháng.
- Khi cho con bú nên bế trẻ ở tư thế ngồi tránh việc trào sữa vào vòi nhĩ.
- Thường xuyên vệ sinh mũi họng cho con đúng cách.
- Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, không ô nhiễm, khói bụi.
Thính giác là bộ phận vô cùng quan trọng đối với nhận thức, ngôn ngữ và sự phát triển của trẻ, vì vậy cha mẹ cần thường xuyên quan sát. Khi trẻ bị viêm tai giữa cha mẹ không cần quá lo lắng, nên tham khảo và làm theo hướng dẫn của bác sĩ và đưa con đi khám khi cần thiết.
Thông tin liên hệ
- Hotline: 1900 299256
- Facebook: https://www.facebook.com/vichatchobe.official
- Shopee: https://shopee.vn/vichatchobe?smtt=0.0.9
Đọc thêm
- Bệnh cúm A ở trẻ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa và điều trị
- Sốt xuất huyết ở trẻ em: Dấu hiệu cách điều trị và phòng tránh
Viết bình luận