HOTLINE: 0865.515.158
ベトナム
英語

Trẻ chậm tăng cân - Nguyên nhân do đâu?

Cân nặng là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá sự phát triển của trẻ có bình thường không. Nếu trẻ chậm tăng cân trong thời gian dài, mẹ cần tìm hiểu xem nguyên nhân do đâu để có giải pháp khắc phục kịp thời nhé!

Dấu hiệu nhận biết trẻ chậm tăng cân

Dấu hiệu nhận biết rõ ràng nhất là kích thước, có thể là cân nặng, chiều cao hay kích thước đầu hoặc cả ba chỉ số đó. Cụ thể là:

  • Trẻ sơ sinh tăng cân ít hơn 18g/ngày (Bình thường trung bình mỗi ngày trẻ sẽ tăng 20 – 30g);
  • Trẻ bị sụt cân và không phục hồi được sau 3 tuần;

Bên cạnh đó, mẹ có thể theo dõi xem trẻ có các biểu hiện như:

  • Trẻ không vui vẻ, mất hứng thú với mọi thứ xung quanh, mắt có nét lo lắng và da nhăn;
  • Biếng ăn, thể trạng yếu, tay chân gầy guộc;
  • Trẻ ngủ thường xuyên hơn và giấc dài hơn;
  • Trẻ lờ đờ, thường xuyên quấy khóc;
  • Nước tiểu có màu vàng đậm và đặc;
  • Ít đi ngoài, thậm chí nhiều ngày không đi ngoài;
  • Đường tăng trưởng của trẻ không tăng đều;
  • Trẻ chậm hoặc bỏ qua các cột mốc quan trọng: không biết lật, chậm ngồi hoặc đi so với những trẻ khác cùng tuổi.

Nếu trẻ chậm tăng cân không được phát hiện sớm để có biện pháp can thiệp kịp thời, nhất là trong 5 năm đầu đời, trẻ có thể bị ảnh hưởng đến sự phát triển thể trạng và trí thông minh trong tương lai.

Nguyên nhân khiến trẻ chậm tăng cân

Nguyên nhân chậm tăng cân có thể là do trẻ không hấp thu đủ chất dinh dưỡng hoặc do ảnh hưởng của quá trình mang thai như: suy dinh dưỡng bào thai, trẻ sinh non, nhẹ cân, dị tật bẩm sinh,…

Theo PGS.TS.BS Lê Bạch Mai cho biết, mỗi trẻ ở từng giai đoạn sẽ có những nguyên nhân chậm tăng cân khác nhau. Các nguyên nhân thường gặp nhất là:

Chất và lượng sữa không phù hợp

Với trẻ trong giai đoạn bú sữa mẹ: Mẹ bị mất sữa, ít sữa hoặc sữa không đủ dinh dưỡng do chế độ ăn uống không đảm bảo đủ chất, cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, căng thẳng…Hoặc mẹ cho trẻ bú không đủ lượng sữa theo khuyến nghị và cho bú không đúng cách.

Với trẻ bú sữa công thức: Mẹ chọn loại sữa không phù hợp với độ tuổi hoặc khẩu vị khiến trẻ lười bú, bú ít so với khuyến nghị. Hoặc do mẹ pha sữa không đúng cách (Sữa quá loãng chưa đủ cung cấp năng lượng và dinh dưỡng cần thiết mà cơ thể cần; Sữa quá đặc gây ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa khiến trẻ không hấp thu được dưỡng chất để phát triển).

Do sai lầm trong chế biến thực phẩm, cho trẻ ăn uống

Khi thấy trẻ chậm tăng cân, nhiều mẹ sẽ tẩm bổ thêm các loại thực phẩm giàu chất đạm. Đây là một sai lầm thường hay mắc phải.

Nếu cho trẻ ăn quá nhiều đạm sẽ vô tình khiến trẻ trở nên biếng ăn, chưa kể ăn nhiều đạm còn khiến gan và thận phải làm việc quá sức.

Lạm dụng nước hầm xương, thịt để nấu cháo, chế biến món ăn vì cho rằng giàu dinh dưỡng, tốt cho trẻ. Thực chất, loại nước này chứa rất ít dưỡng chất, không đảm bảo nhu cầu như mẹ lầm tưởng.

Trẻ thiếu vitamin và khoáng chất

Thực tế, có rất nhiều trẻ chậm tăng cân, thấp bé hơn so với các bạn cùng tuổi do chế độ ăn uống hàng ngày không đảm bảo hoặc thiếu hụt vitamin và khoáng chất quan trọng như sắt, kẽm, canxi, omega 3, kali, vitamin A, B, D…

Trẻ mắc vấn đề bệnh lý

Một số bệnh lý làm cản trở quá trình phát triển khiến trẻ chậm tăng cân như:

  • Bệnh về tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa, táo bón, kém hấp thu, hay nôn trớ, trào ngược dạ dày thực quản, bất dung nạp lactose,… gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và kém hấp thu dinh dưỡng ở trẻ.
  • Nhiễm ký sinh trùng đường ruột: Giun, sán sống ký sinh trong đường ruột và hút hết mọi dưỡng chất trẻ ăn vào khiến cơ thể trẻ không hấp thu được nhiều.
  • Bệnh lý miệng – hầu – họng;
  • Bệnh tim bẩm sinh,…

Trẻ biếng ăn gây chậm tăng cân

Do trẻ lười ăn, chán ăn nên các dưỡng chất nạp vào cơ thể không đủ cho sự phát triển, vận động hàng ngày dẫn đến tình trạng chậm tăng cân.

Trẻ quá hiếu động

Trẻ hiếu động quá mức bình thường sẽ khiến tốc độ trao đổi chất diễn ra nhanh chóng và khiến cơ thể trẻ tiêu hao nhiều năng lượng.Trong khi lượng dưỡng chất nạp vào cơ thể không đủ, thiếu hụt cũng sẽ khiến trẻ chậm tăng cân. Trẻ ham chơi và mất tập trung khi ăn cũng làm trầm trọng thêm tình trạng chậm tăng cân.

Thường xuyên cho trẻ ăn cháo dinh dưỡng

Khi chậm tăng cân, mẹ thường xuyên cho trẻ ăn cháo dinh dưỡng nấu sẵn vừa có đủ các dưỡng chất mẹ chọn vừa tiết kiệm thời gian.

Tuy nhiên, theo chuyên gia khuyến cáo, trẻ ăn cháo dinh dưỡng nấu sẵn thường xuyên sẽ bị thiếu hụt dinh dưỡng ảnh hưởng tới sự phát triển cân nặng và chiều cao. Chưa kể, trẻ ăn thực phẩm không an toàn có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa non nớt.

Một số giai đoạn khiến trẻ chậm tăng cân

Các chuyên gia chia sẻ khi bước đến các giai đoạn dưới đây trẻ có thể không hoặc chậm tăng cân:

Giai đoạn 5 - 7 ngày đầu đời

Theo các cuộc nghiên cứu, khoảng 5 – 7 ngày sau sinh hầu hết trẻ sẽ chậm tăng cân, không tăng cân hoặc sụt cân… Nếu trẻ bú sữa mẹ có thể giảm 7 – 10% cân nặng so với lúc mới sinh và 5% nếu bú sữa công thức.

Giai đoạn trẻ mọc răng

Tùy vào mỗi trẻ, hiện tượng mọc răng có thể đến sớm nhất khi 4 tháng tuổi. Hệ quả của việc mọc răng là khiến trẻ tướt mọc răng (đi ngoài lỏng và liên tục nhiều ngày), trẻ bị sốt, mệt mỏi, hay quấy khóc, lười bú…dẫn đến chậm tăng cân.

Giai đoạn trẻ ăn dặm và cai sữa mẹ/hạn chế bú

Từ 6 tháng tuổi trẻ được khuyến khích nên ăn dặm để bổ sung thêm các dưỡng chất cho sự phát triển. Đây là giai đoạn “chuyển giao” từ ăn thức ăn lỏng (sữa mẹ/sữa công thức) sang chế độ ăn đặc hơn khiến trẻ không quen nên có thể biếng ăn hoặc cơ thể kém hấp thu dẫn đến tình trạng chậm tăng cân.

Hơn nữa, nhiều mẹ lầm tưởng trẻ ăn dặm thì không cần bú sữa mẹ/công thức nên đã cai sữa hoặc giảm lượng sữa cho bé bú gây ảnh hưởng đến cân nặng.

Giai đoạn trẻ đi mẫu giáo

Đây là giai đoạn trẻ đột ngột đổi sang môi trường sinh hoạt mới, người chăm sóc mới, có thể chán ăn, dễ ốm vặt, mắc bệnh…làm cho cân nặng giảm hoặc “đứng yên tại chỗ”. Tuy nhiên, sau khoảng 3 – 5 tháng khi trẻ đã thích nghi dần với môi trường mới thì sẽ bắt đầu tăng cân trở lại.

Trẻ chậm tăng cân hoặc trẻ không tăng cân được xác định trong khoảng thời gian 3 tháng liên tục. Mẹ hãy căn cứ vào bảng chiều cao cân nặng chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để theo dõi hoặc đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện nhé!

Đọc thêm

Dấu hiệu trẻ thiếu kẽm? Cách bổ sung kẽm hiệu quả cho trẻ

Top các thực phẩm bổ sung kẽm cho bé

 

Bài trước Bài sau