Virus hợp bào hô hấp ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ thế nào?
Virus hợp bào hô hấp hay viết tắt là RSV - một loại vi rút gây bệnh ở đường hô hấp. Vậy nó có nguy hiểm không? Và ảnh hưởng tới sức khoẻ của trẻ như thế nào? Cùng Vichatchobe tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Virus hợp bào hô hấp (RSV) là gì?
Đây là một loại vi rút có ARN sợi đơn, khi xâm nhập vào cơ thể, nó sẽ tập trung gây nhiễm trong hệ thống đường hô hấp; từ đó, dẫn đến bệnh viêm phổi, viêm phế quản... Đặc biệt, loại virus này thường phát triển mạnh vào mùa đông - xuân và xuân - hè.
Những trẻ em dưới 2 tuổi thường rất dễ mắc bệnh này. RVS có thể xâm nhập vào cơ thể từ miệng, mũi hoặc mắt hay tiếp xúc với nguồn lây bệnh cũng là một trong các yếu tố gây bệnh cho trẻ. Ngoài ra, virus RSV cũng có thể gây bệnh cho người lớn và các triệu chứng bệnh virus hợp bào hô hấp (RVS) thường sẽ xuất hiện sau khoảng từ 2 đến 8 ngày khi cơ thể bị nhiễm virus.
Virus hợp bào hô hấp lây truyền qua đâu?
Virus hợp bào hô hấp có thể lây bệnh qua ba đường truyền khác nhau, gồm:
- Truyền qua không khí, thông qua các hạt bụi trong không khí có kích thước nhỏ, được tạo ra khi người nhiễm RSV ho hay hít thở. (Virus sẽ sẽ được vô hiệu hoá nhanh ở nhiệt độ trên 37°C; đồng thời tồn tại lâu hơn ở nhiệt độ dưới 23°C);
- Truyền qua khi tiếp xúc với nước bọt hay các giọt bắn bằng các bụi khí lớn. Vì vậy, việc cách ly tiếp xúc là cần thiết để ngăn chặn sự lan truyền này;
- Truyền qua tiếp xúc với bề mặt các đồ vật bị nhiễm virus RSV: Ví dụ: Virus tồn tại trên găng tay cao su trong thời gian 1 giờ 30 phút; bề mặt áo choàng vải giấy là 30 - 45 phút; tồn tại trên da khoảng 20 phút (Do đó, cần cách ly với mọi đường tiếp xúc).
Các phương pháp lấy mẫu để làm xét nghiệm RSV bao gồm:
- Phết dịch mũi hoặc lấy mẫu dịch mũi hầu bằng que vô khuẩn hay lấy dịch từ họng (thường được thực hiện 3 lần);
- Hút dịch mũi hầu, đây được coi là phương pháp lấy mẫu tốt nhất để xác định RSV;
- Rỉ mũi.
Các triệu chứng trẻ bị nhiễm RSV
RSV chỉ gây ra các triệu chứng tương tự như cảm lạnh ở người trưởng thành và trẻ khỏe mạnh. Khi nhiễm virus RSV, thường bắt đầu với các triệu chứng viêm đường hô hấp trên với sự xuất hiện của sốt nhẹ trong khoảng 2-4 ngày, nước mũi chảy, tắc mũi, đau họng, viêm tai xung huyết và khàn tiếng hoặc mất giọng.
RSV có thể gây viêm tiểu phế quản, viêm phổi kẽ và viêm thanh quản cấp khi virus này lan đến phổi với những trẻ dưới 2 tuổi. Virus này bám vào đường hô hấp, gây ra viêm, kích thích ho mạnh, làm tăng sự tiết đờm dẫn đến tắc đường thở và khiến cho việc hít thở trở nên khó khăn, gây khó thở nhanh, ho khò khè, co kéo phần cơ liên sườn; từ đó ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt, ăn uống và giấc ngủ của trẻ.
RSV thường gây viêm phổi nặng ở trẻ sơ sinh, nhất là trẻ lần đầu tiên tiếp xúc với RSV:
- Một số trường hợp có thể bắt đầu triệu chứng sốt nhẹ, tắc mũi, hắt hơi và có thể thay đổi tri giác;
- Trẻ có thể lười bú, bú kém, bỏ bú, biếng ăn;
- Triệu chứng về hô hấp: thở khò khè, nhanh; co lõm lồng ngực; rối loạn khả năng thông khí và nhịp tim... từ đó gây ra suy hô hấp cấp ở trẻ;
- RSV có thể gây các biến chứng nguy hiểm khi viêm phổi và viêm tiểu phế quản xảy ra ở trẻ sinh non, trẻ sơ sinh hay trẻ có các bệnh nền như: bệnh tim bẩm sinh, bị suy giảm miễn dịch... có nguy tử vong cao.
Các cách phát hiện virus hợp bào hô hấp ở trẻ
Hiện nay, có ba phương pháp chính được sử dụng để chẩn đoán RSV ở trẻ:
- Làm Test nhanh: Phương pháp này nhằm phát hiện định tính kháng nguyên của RSV trong mẫu bệnh từ đường hô hấp ở trẻ nhỏ;
- Thực hiện PRC: Xác định chính xác DNA của virus RSV trong mẫu bệnh từ đường hô hấp. Phương pháp này có độ nhạy đến 100%; độ đặc hiệu 90%; dự đoán dương tính là 92%; khả năng dự đoán âm tính là 100%;
- Xét nghiệm tải lượng và hàm lượng virus: Phương pháp này có thể đo lượng virus RSV trong mẫu bệnh, xác định hàm lượng virus có mặt trong đường hô hấp của trẻ.
Các biến chứng nguy hiểm khi nhiễm RSV
Trẻ bị nhiễm trùng hô hấp do RSV có thể dẫn đến các triệu chứng, như:
- Nguy cơ ngừng thở, nhất là với các trẻ dưới 2 tháng tuổi;
- Tình trạng xẹp phổi, đặc biệt trong trường hợp trẻ dưới 3 tuổi bị viêm tiểu phế quản;
- Bội nhiễm vi khuẩn: Cần xem xét việc sử dụng kháng sinh sớm cho trẻ mắc bệnh hô hấp cấp do RSV nặng, bởi không biết chính xác khi nào trẻ sẽ bị bội nhiễm vi khuẩn;
- Tăng nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp cấp - một biến chứng nguy hiểm;
- Có thể xuất hiện tình trạng tràn khí màng phổi và tràn khí trung thất cũng có thể xảy ra, dù rất ít gặp;
- Tình trạng mất nước có thể xảy ra ở giai đoạn đầu của bệnh và thừa nước ở giai đoạn về sau;
- Có khả năng gây rối loạn nhịp tim;
- Tình trạng tử vong có thể xảy ra khi biến chứng nghiêm trọng hơn.
Các phương pháp điều trị trẻ bị virus hợp bào hô hấp
Hầu hết trẻ khi bị nhiễm virus hợp bào hô hấp thường sẽ bị viêm tiểu phế quản nhẹ. Sau khi thăm bác sĩ, có thể áp dụng các biện pháp điều trị và chăm sóc tại nhà theo các hướng dẫn:
- Hằng ngày, vệ sinh sạch mũi và vòm họng của trẻ bằng cách loại bỏ rỉ, dịch mũi và dùng nước muối sinh lý để nhỏ mũi;
- Đảm bảo trẻ tránh xa khói bụi và khói thuốc lá;
- Môi trường phòng của trẻ sinh hoạt và ngủ cần được giữ vệ sinh sạch sẽ và thông thoáng. Ba mẹ có thể cân nhắc lắp máy lọc không khí và máy phun sương tạo độ ẩm;
- Xây dựng cho trẻ chế độ dinh dưỡng đầy đủ và chia nhỏ bữa ăn trong ngày để tránh tình trạng nôn nao;
- Cung cấp đủ nước cho trẻ, giúp làm đờm và giảm các cơn ho;
- Tuân thủ hướng dẫn đúng của bác sĩ chuyên khoa về việc sử dụng thuốc. Ba mẹ không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ mà không có hướng dẫn từ chuyên gia y tế. Việc sử dụng sai loại thuốc hoặc không đủ liều hay quá liều có thể khiến triệu chứng trở nặng hơn;
- Tuân thủ lịch tái khám của trẻ.
Trong quá trình điều trị tại nhà, ba mẹ phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Đặc biệt, khi mũi và họng trẻ nhiều dịch nhầy, khó thở hay khò khè...; lúc này, trẻ cần được đến bệnh viện ngay. Nếu trẻ bị bội nhiễm phổi, thì cần tiêm dịch, dùng kháng sinh hay thậm chí phải hỗ trợ thở bằng Oxy.
Phòng ngừa nguy cơ nhiễm RSV ở trẻ
Để có thể phòng ngừa nguy cơ nhiễm virus RSV ở trẻ, ba mẹ cần chú ý những điều sau:
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với những người có triệu chứng hắt hơi, ho, sổ mũi và không nên đưa trẻ đến nơi có đông người...;
- Bảo đảm môi trường sống của trẻ luôn sạch sẽ, không có khói thuốc lá và bụi bẩn;
- Hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân trước và sau ăn, rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh;
- Nếu trẻ có nguy cơ cao bị nhiễm RSV, bác sĩ có thể cho trẻ dùng thuốc dự phòng Palivizumab. Đây là loại thuốc tiêm bắp. Có công dụng giúp kích thích sản xuất kháng thể để chống lại virus, giảm các triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra tác dụng phụ như: sốt, sưng đỏ hay bị phát ban tại vị trí tiêm. Vì vậy, ba mẹ cần thảo luận với bác sĩ trước khi cho con dùng thuốc.
Trên đây là các thông tin ba mẹ cần biết về virus hợp bào hô hấp. Ba mẹ hãy theo dõi con, nếu thấy biểu hiện nghi nhiễm virus RSV thì hãy cho trẻ đi khám và điều trị kịp thời. Như vậy có thể hạn chế được các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khoẻ trẻ ba mẹ nhé!
Đọc thêm:
Viết bình luận