Chỉ số bilirubin bao nhiêu là nguy hiểm? Tìm hiểu về chỉ số bilirubin
Chỉ số bilirubin đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá tình trạng sức khỏe của gan và hệ thống tiêu hóa. Bilirubin là một sản phẩm của quá trình phân hủy hồng cầu, có thể chỉ ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khi ở mức cao. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về chỉ số bilirubin bao nhiêu là nguy hiểm và những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe.
Chỉ số bilirubin và sức khỏe của gan
Chỉ số bilirubin là gì?
Bilirubin là một sản phẩm phụ của quá trình phân huỷ hemoglobin từ các tế bào hồng cầu già hoặc tổn thương. Sau khi được tạo ra, bilirubin tự do di chuyển đến gan, nơi nó được chuyển hóa thành một dạng hòa tan trong nước để có thể được đào thải qua phân và nước tiểu.
Chỉ số bilirubin là một thông số y tế quan trọng dùng để đo lượng bilirubin trong máu. Bilirubin là một sắc tố màu vàng được tạo ra trong quá trình phá hủy tự nhiên của các tế bào hồng cầu. Theo dõi chỉ số này có thể giúp chẩn đoán và theo dõi các bệnh lý liên quan đến gan và hệ tiêu hóa.
Vai trò của bilirubin đối với cơ thể
Bilirubin có vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa và thải độc của cơ thể. Nó là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ các tế bào khỏi sự hư hại của các gốc tự do. Ngoài ra, sự hiện diện của bilirubin trong mật giúp trung hòa và loại bỏ các chất thải khỏi cơ thể thông qua đường tiêu hóa.
Mức bilirubin bình thường trong máu thường dao động từ 0,1 đến 1,2 mg/dL đối với người lớn. Các giá trị này có thể thay đổi tùy thuộc vào phòng xét nghiệm và phương pháp đo lường. Việc duy trì mức bilirubin trong khoảng bình thường là quan trọng để tránh các vấn đề sức khỏe liên quan đến gan và mật, chẳng hạn như vàng da hoặc bệnh gan.
Vì sao chỉ số bilirubin tăng cao?
Chỉ số bilirubin tăng cao có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, thường liên quan đến các vấn đề với gan, hệ thống mật, hoặc tình trạng huyết học.
1. Tổn thương gan do viêm hoặc nhiễm độc
Viêm gan do virus, sử dụng thuốc hoặc các tình trạng nhiễm độc khác gây tổn thương tế bào gan, dẫn đến giảm khả năng chuyển hóa bilirubin. Còn xơ gan làm giảm khả năng gan xử lý và đào thải bilirubin. Xơ gan thường là kết quả của quá trình tổn thương gan kéo dài, chẳng hạn như do viêm gan mạn tính hoặc sử dụng rượu quá mức.
2. Tắc nghẽn mật do sỏi hoặc viêm ống dẫn mật
Sỏi có thể chặn ống mật, gây cản trở dòng chảy bình thường của mật và bilirubin từ gan đến ruột. Điều này dẫn đến tích tụ bilirubin trong máu. Tình trạng viêm nhiễm ở ống dẫn mật cũng có thể cản trở sự lưu thông, làm tăng bilirubin trong máu.
3. Bệnh tan máu gây phá hủy hồng cầu
Bệnh tan máu là tình trạng khi các tế bào hồng cầu bị phá hủy nhanh hơn mức tái tạo, dẫn đến gia tăng sản xuất bilirubin từ hemoglobin cũng là nguyên nhân khiến chỉ số bilirubin tăng cao.
Giải đáp chỉ số bilirubin bao nhiêu là nguy hiểm?
Chỉ số bilirubin bao nhiêu là nguy hiểm? Mức bilirubin trên 1,2 mg/dL thường được xem là cao và tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm cụ thể phụ thuộc vào nguyên nhân và độ tuổi.
Ở người lớn: Mức bilirubin trên 3 mg/dL thường có thể dẫn đến các triệu chứng vàng da rõ rệt và cần được theo dõi chặt chẽ để xác định nguyên nhân.
Ở trẻ sơ sinh: Mức bilirubin trên 15 mg/dL trong 48 giờ đầu hoặc 20 mg/dL sau 72 giờ được khuyến nghị nên điều trị sớm.
Khi chỉ số bilirubin cao trên mức an toàn, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến tình trạng nguy hiểm như tổn thương não gọi là kernicterus, đây là tổn thương não vĩnh viễn dẫn đến suy giảm trí tuệ, bại não, mất thính lực…
Biến chứng vàng da tăng bilirubin ở trẻ sơ sinh
Đặc biệt theo tạp chí y học Việt Nam số 516 có nghiên cứu một số yếu tố liên quan từ mẹ và con đến vàng da tăng bilirubin ở trẻ sơ sinh kết luận vàng da tăng bilirubin gián tiếp cần được đánh giá sàng lọc sớm, đặc biệt trường hợp trẻ có nguy cơ cao như có mẹ nhóm máu O, trẻ non tháng, yếu tố cân nặng thấp… để tránh biến chứng vàng da nhân.
Ở người lớn, tăng bilirubin kéo dài có thể phản ánh các vấn đề nghiêm trọng về gan hoặc mật, cần được điều trị kịp thời để tránh các biến chứng lâu dài.
Phải làm gì khi chỉ số bilirubin tăng cao?
Để biết được chỉ số bilirubin có tăng không, mọi người cần thực hiện xét nghiệm máu để đo lường mức bilirubin toàn phần và các dạng liên hợp, tự do. Bên cạnh đó, mọi người có thể căn cứ vào những dấu hiệu nhận biết tăng bilirubin sau để kịp thời đến bệnh viện thăm khám:
Vàng da và mắt;
Nước tiểu sẫm màu;
Phân trắng hoặc nhạt màu;
Mệt mỏi, buồn nôn, và đau bụng;
Ngứa ngáy.
Các phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm bổ sung
Khi có kết quả đánh giá chỉ số bilirubin, bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để tiến hành thăm khám và xét nghiệm để xác định nguyên nhân chính xác gây ra tăng bilirubin. Có thể bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm hoặc xét nghiệm bổ sung như xét nghiệm chức năng gan hay sinh thiết gan để đánh giá tình trạng của gan và hệ thống mật.
Khi đã đánh giá được nguyên nhân gây ra tình trạng tăng bilirubin, bác sĩ sẽ tập trung điều trị nguyên nhân gốc rễ như viêm gan, tắc mật, hoặc các bệnh lý khác, chiếu đèn quang học với trẻ sơ sinh, truyền dịch hoặc truyền máu để loại bỏ bilirubin dư thừa, sử dụng thuốc hỗ trợ…
Theo dõi và thay đổi lối sống khi điều trị bilirubin tăng cao
Trong quá trình điều trị, người bệnh nên thay đổi chế độ ăn và lối sống lành mạnh hơn, theo dõi mức bilirubin thường xuyên để đánh giá hiệu quả điều trị và chú ý đến các triệu chứng như vàng da, mệt mỏi hay buồn nôn để báo cho bác sĩ sớm.
Việc theo dõi chỉ số bilirubin không chỉ giúp phát hiện sớm các bệnh lý mà còn có thể cứu sống bệnh nhân nếu phát hiện kịp thời. Chỉ số bilirubin bao nhiêu là nguy hiểm phụ thuốc vào độ tuổi và nhiều yếu tố khác, nếu bạn nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường khác, hãy đến bệnh viện để kiểm tra.
https://tapchiyhocvietnam.vn/index.php/vmj/article/view/3052/2824