Hãy dạy con nói lời xin lỗi thay vì nói “trẻ con thì biết gì”
Dạy con nói lời xin lỗi là một quy tắc ứng xử cơ bản trong đời sống, cho dù là ở trong gia đình hay là ngoài xã hội. Cha mẹ cần dạy con làm sao để con biết được lỗi sai của mình ở đâu và nói lời xin lỗi một cách tự nguyện và chân thành nhất, hơn hết là để tránh cho con lặp lại lỗi sai về sau.
Tại sao trẻ phải nói lời xin lỗi?
Trẻ con mắc lỗi là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên việc trẻ ứng xử như thế nào trước lỗi sai của mình mới là điều cần quan tâm. Thay vì giữ quan điểm “trẻ con thì biết cái gì” cha mẹ cần dạy con nói lời xin lỗi khi bé làm sai. Điều này vô cùng quan trọng trong việc hình thành lối sống cho con, giúp con trở thành một người trung thực không sợ hãi trước lỗi lầm, dám nhận lỗi và sửa lỗi. Dạy con biết xin lỗi là nền tảng để trẻ trở thành một người có trách nhiệm biết tôn trọng và được tôn trọng.
Cách dạy con nói lời xin lỗi
Thay vì lập tức quát mắng hay tỏ thái độ trước lỗi lầm của con và bắt con xin lỗi thì cha mẹ nên khéo léo, mềm mỏng chỉ bảo để con hiểu ra lỗi sai của mình. Đồng thời làm sao để trẻ biết nói lời xin lỗi sau những lỗi sai đó.
Dạy trẻ phân biệt đúng sai ngay từ khi còn nhỏ
Trẻ em như một tờ giấy trắng, chúng dễ dàng tiếp thu và ghi nhớ mọi thứ chúng nghe và nhìn thấy. Vì vậy, ngay từ khi con nhỏ trẻ đã có khả năng hiểu và lắng nghe những lời nói của bố mẹ. Hãy dạy cho trẻ biết như thế nào là hành động đúng và hành động sai và khi làm sai phải biết nói lời xin lỗi. Những lần đầu trẻ có thể chưa thể tiếp thu tuy nhiên nếu lặp lại nhiều lần trẻ sẽ ghi nhớ được hành động và làm theo.
Để trẻ tự nhận ra lỗi sai và nhận lỗi
Việc trẻ nhận lỗi không đơn giản chỉ là nói ra câu “con xin lỗi” mà điều cần thiết ở đây là trẻ phải nhận thức được lỗi sai của mình. Đừng để trẻ nói lời xin lỗi trong vô thức hay trở thành một câu cửa miệng dập khuôn.
Khi con mắc lỗi ba mẹ cần chỉ ra cho con rằng tại sao điều đó là sai và tại sao con cần xin lỗi, để trẻ hiểu khi nào mình đã có lỗi và cần xin lỗi. Tránh trường hợp trẻ xin lỗi kể cả khi mà không biết mình sai ở đâu.
Nêu gương các bạn cùng tuổi
Có câu “Học thầy không tày học bạn”, ba mẹ có thể dạy con học cách xin lỗi từ việc nêu lên những tấm gương bạn cùng trang lứa của con như bạn chung trường, hàng xóm hay những bạn nhỏ trên các phương tiện truyền thông. Kể cho trẻ nghe những người bạn đó đã mắc lỗi gì và sau đó đã nhận lỗi và xin lỗi như thế nào. Đồng thời cũng có thể dạy trẻ học theo những điều tốt từ những người bạn đó.
Chính ba mẹ cùng cần xin lỗi
Người ta thường nói “Con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ”, vì vậy trước khi dạy con nói lời xin lỗi thì ba mẹ cần tập cho mình thói quen nói lời xin lỗi và giao tiếp lịch sự. Trẻ rất dễ học theo những lời nói, cử chỉ của cha mẹ do đó khi cha mẹ làm sai cho dù là một lỗi nhỏ thôi cũng hãy nói lời xin lỗi. Khi đó trẻ sẽ cảm thấy được tôn trọng, thậm trí trẻ còn học được cách tôn trọng người khác và không lặp lại các lỗi sai. Lâu dần việc làm sai và xin lỗi sẽ trở thành thói quen của trẻ.
Khen ngợi khi con biết lỗi và nhận lỗi
Khi trẻ làm sai ba mẹ đừng vội vàng quát mắng con, vì khi đó trẻ sẽ sợ hãi và khóc chứ chẳng thể nói ra lời xin lỗi, thậm chí lâu dần điều này có thể trở thành một chướng ngại tâm lý với con. Thay vào đó ba mẹ hãy bình tĩnh an ủi con, rồi mới phân tích cho con hiểu mình đã sai ở đâu và dạy con biết xin lỗi khi mình làm sai. Sau đó khi con đã biết lỗi và xin lỗi hãy dành cho con những lời động viên, khen ngợi. Người lớn còn có lúc sai vậy nên đừng ngần ngại khích lệ con trong những trường hợp như vậy ba mẹ nhé!
Trên đây là một số phương pháp mà Vichatchobe muốn chia sẻ với các ba mẹ về cách dạy con nói lời xin lỗi. Hy vọng những thông tin trên sẽ đem lại những kiến thức bổ ích cho ba mẹ trong quá trình nuôi dưỡng và dạy dỗ trẻ nhà mình.
Viết bình luận