HOTLINE: 0888.003.223
ベトナム
英語

Bí quyết vàng giúp bé hết khóc dạ đề, ngủ ngon suốt đêm

Khóc dạ đề là nỗi lo lắng thường trực của nhiều bố mẹ khi bé yêu khóc suốt đêm không ngừng. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ và sức khỏe của bé mà còn gây mệt mỏi, căng thẳng cho cả gia đình. Tuy nhiên, chỉ với những bí quyết vàng dưới đây sẽ giúp bé yêu nhà bạn vượt qua giai đoạn này và có giấc ngủ trọn vẹn.

 

Cách nhận biết bé khóc dạ đề

Khóc dạ đề là hiện tượng bé khóc không ngừng vào một thời điểm cố định trong ngày mà không rõ nguyên nhân và có thể kéo dài trong vài tuần. Thông thường, ba mẹ sẽ không thể dỗ bé nín khi bé khóc dạ đề, dẫn đến tình trạng lo lắng và căng thẳng. 

Khi bé khóc dạ đề, mỗi đêm bé thường bắt đầu quấy khóc, khó chịu và không chịu ngủ yên. Một số bé đang ngủ có thể giật mình tỉnh dậy và khóc thét, kèm theo các biểu hiện như ưỡn người, trán đổ mồ hôi, da nhợt nhạt, cơ thể mệt mỏi, miệng và hơi thở lạnh,... 

Để phân biệt bé khóc dạ đề với những trường hợp khóc khác, bố mẹ cần loại trừ các nguyên nhân phổ biến như bé đói, gắt ngủ, ướt bỉm, đòi bế, đầy hơi hay chướng bụng. Nếu bé khóc do những lý do này, chỉ cần ba mẹ giải quyết đúng nhu cầu của bé là bé sẽ ngừng quấy khóc.

Bố mẹ không thể dỗ bé nín khi bé khóc dạ đề

Bố mẹ không thể dỗ bé nín khi bé khóc dạ đề

Trẻ sơ sinh được xem là khóc dạ đề khi có các dấu hiệu: 

  • Khóc kéo dài hơn ba giờ mỗi ngày.

  • Khóc ít nhất ba ngày mỗi tuần.

  • Khóc liên tục hơn ba tuần trong một tháng.

Khóc dạ đề không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của bé mà còn gây ra mệt mỏi, lo lắng cho các thành viên trong gia đình do thiếu ngủ và phải thức đêm. Đến nay, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác cho tình trạng khóc kéo dài này ở trẻ sơ sinh và cũng chưa có biện pháp điều trị cụ thể nào được chứng minh là hiệu quả.

 

Nguyên nhân khiến bé khóc dạ đề

Hiện tượng khóc dạ đề thường xảy ra ở trẻ dưới 6 tháng tuổi và có thể gây lo lắng cho nhiều bậc phụ huynh khi bé khóc liên tục không rõ nguyên nhân. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến khiến bé khóc dạ đề mà ba mẹ cần lưu ý:

  • Tăng nhu động ruột: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Nhu động ruột không đều có thể gây đau bụng dữ dội, khiến bé khóc cho đến khi cơn đau qua đi.

  • Thiếu chế độ chăm sóc hợp lý: Trẻ không có giờ giấc ăn ngủ cố định hoặc quá nhiều hoạt động trước giờ ngủ khiến hệ thần kinh của bé bị căng thẳng.

  • Suy dinh dưỡng hoặc còi xương: Trẻ còi xương hoặc suy dinh dưỡng thường có khả năng thích ứng kém với môi trường và dễ bị kích thích bởi các tác động bên ngoài.

Tăng nhu động ruột là một trong những nguyên nhân khiến bé khóc dạ đề

Tăng nhu động ruột là một trong những nguyên nhân khiến bé khóc dạ đề

 

Ngoài ra, bố mẹ cần phân biệt khóc dạ đề với các trường hợp khóc đêm thông thường khác:

  • Đau đớn: Bé có thể khóc do đau từ các nguyên nhân như loét miệng, đau tai, kích ứng da,... Nếu bé khóc kèm theo sốt, tiêu chảy hoặc nôn ói, ba mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế ngay.

  • Mọc răng: Quá trình mọc răng có thể khiến bé sốt, đau và ngứa lợi.

  • Quần áo hoặc tã không thoải mái: Tã chật, quần áo gây bí bách hoặc tã bẩn gây kích ứng da có thể khiến bé khó chịu và quấy khóc.

  • Đói hoặc khát: Trẻ sơ sinh cần bú thường xuyên, đặc biệt trong giai đoạn phát triển. Nếu bé không bú đủ, bé có thể khóc vì đói.

  • Ăn quá no: Bé bú quá no có thể gây đầy hơi, khó chịu và dẫn đến khóc kéo dài.

  • Dị ứng: Các thực phẩm như trứng, sữa, hạt hoặc lúa mì mà mẹ tiêu thụ có thể gây dị ứng qua sữa mẹ, làm bé bị đau bụng, tiêu chảy hoặc các triệu chứng khác. Nếu bé uống sữa bột, ba mẹ có thể cần chuyển sang loại sữa không gây dị ứng.

 

Làm thế nào để giảm tình trạng khóc dạ đề?

Hiện tượng khóc dạ đề kéo dài ở trẻ sơ sinh thường khiến bố mẹ lo lắng và bối rối, đặc biệt khi tiếng khóc xuất hiện vào buổi chiều, tối hoặc đêm khuya. Tuy nhiên, nếu bé vẫn bú tốt, không giảm cân và phát triển bình thường, ba mẹ có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản để giúp bé cảm thấy thoải mái hơn và giảm thiểu tình trạng khóc dạ đề.

  • Ôm bé vào lòng hoặc đặt bé nằm cạnh mẹ để bé cảm nhận được nhịp tim và hơi ấm, giúp bé cảm thấy an toàn và yên tâm.

  • Hát ru nhẹ nhàng hoặc cho bé nghe những bản nhạc êm dịu để giúp bé thư giãn và dễ đi vào giấc ngủ.

  • Tạo không gian ngủ yên tĩnh, êm ái, có thể cho bé làm quen với tiếng ồn nhẹ để cảm thấy dễ chịu hơn.

  • Massage nhẹ nhàng toàn thân và vùng bụng cho bé, sử dụng các loại tinh dầu thảo mộc phù hợp để giảm thiểu khó chịu.

  • Giữ tâm trạng bình tĩnh, thoải mái khi cho bé bú, tránh căng thẳng và không ép bé ăn quá no để tránh tình trạng đầy hơi hoặc đau bụng.

  • Không tự ý cho bé dùng bất kỳ loại thuốc nào nếu chưa có sự tư vấn của bác sĩ.

Mẹ nên ôm bé vào lòng để bé thấy an tâm, không quấy khóc

Mẹ nên ôm bé vào lòng để bé thấy an tâm, không quấy khóc

 

Khi nào tình trạng khóc dạ đề tự khỏi?

Tình trạng khóc dạ đề ở trẻ sơ sinh thường tự khỏi mà không cần can thiệp y tế đặc biệt. Theo các nghiên cứu, khóc dạ đề thường kéo dài khoảng 3 tháng đầu đời của bé và có xu hướng giảm dần khi bé được khoảng 3-4 tháng tuổi. 

Thông thường, sau khoảng 3 tháng 10 ngày, tình trạng này sẽ dần biến mất khi hệ tiêu hóa và hệ thần kinh của bé phát triển hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, thời gian này có thể thay đổi tùy theo từng bé và một số trường hợp có thể kéo dài hơn hoặc ngắn hơn.

Bé sẽ hết khóc dạ đề trong khoảng 3-4 tháng tuổi

Bé sẽ hết khóc dạ đề trong khoảng 3-4 tháng tuổi

Tạm kết

Với những bí quyết vàng trên, bố mẹ có thể giúp bé vượt qua giai đoạn khóc dạ đề, mang lại giấc ngủ ngon và trọn vẹn cho cả bé và gia đình. Hãy kiên nhẫn và yêu thương bé, bởi mỗi em bé đều có những nhu cầu và cách thể hiện riêng. Chỉ cần ba mẹ bình tĩnh và áp dụng đúng cách, bé sẽ sớm trở nên thoải mái và dễ chịu hơn, giúp cả nhà có những đêm yên bình.

Bài trước Bài sau