Kiến thức cần biết về giấc ngủ của trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh thường ngủ rất nhiều cả ban ngày và ban đêm, tuy nhiên có những trẻ lại là “cú đêm” thường đi ngủ rất muộn. Thực tế có nhiều cha mẹ chưa hiểu hết về giấc ngủ của trẻ sơ sinh do đó gặp khó khăn trong quá trình chăm sóc trẻ. Hãy tham khảo kiến thức về giấc ngủ của trẻ sơ sinh để chăm con được tốt hơn ba mẹ nhé.
Hiểu về giấc ngủ của trẻ sơ sinh
Khác với người lớn, trẻ sơ sinh có chu kỳ và nhu cầu ngủ riêng. Nhiều người thường hiểu lầm rằng thời gian ngủ của trẻ sơ sinh phải 16 tiếng mỗi ngày. Đặc biệt là vào ban đêm trẻ cũng phải ngủ 8 tiếng mới đủ để đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên trên thực tế, việc ngủ 6 - 8 tiếng ban đêm chỉ dành cho người lớn. Còn đối với trẻ sơ sinh, sẽ có chu kỳ ngủ kéo dài khoảng 45 phút với giấc ngủ không sâu được gọi là giấc ngủ REM. Điều này đồng nghĩa với việc trẻ sẽ ngủ không yên giấc, thường cựa quậy, thức giấc và thậm chí là quấy khóc.
Những hiểu lầm của cha mẹ về giấc ngủ của trẻ sơ sinh
1. Hiểu lầm về giấc ngủ sâu của trẻ
Nhiều cha mẹ thường nghĩ rằng trẻ quấy khóc về đêm là do ban ngày trẻ đã ngủ quá nhiều. Chính vì thế khi ban ngày trẻ ngủ cha mẹ sẽ tạo tiếng ồn để cố gắng đánh thức trẻ nhưng lại không hề biết điều này sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Thực tế, trẻ sơ sinh thường có những giấc ngủ không sâu chính là để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.
2. Hiểu lầm về giấc ngủ đêm của trẻ sơ sinh
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong vài năm đầu đời sẽ có thể không ổn định và đó là điều hoàn toàn bình thường. Trẻ có thể thức giấc để đòi cho ăn, thay tã hay do một tiếng động nào đó. Thậm chí khi đã ổn định được giấc ngủ về đêm thì vẫn có thể bị thay đổi do quá trình cai sữa, mọc răng, bệnh tật…
3. Chế độ bú, ăn dặm có ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ
Có rất nhiều bà mẹ cho rằng việc cho trẻ dùng sữa công thức và ăn dặm sẽ giúp trẻ giảm thiểu tình trạng thức khuya, quấy đêm. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Kendall-Tackett cho thấy thời lượng ngủ của bé bú sữa mẹ dài hơn so với so với những bé dùng sữa công thức. Sở dĩ như vậy là vì trong sữa mẹ có chứa chất melatonin với tác dụng làm dịu dạ dày nên bé sẽ ngủ ngon, ít bị đau bụng, khó chịu.
4. Trẻ bú đêm có ảnh hưởng đến giấc ngủ?
Tình trạng giật mình thức đêm là tình trạng hoàn toàn bình thường ở trẻ sơ sinh. Theo thống kê nghiên cứu cho thấy có khoảng 50% trẻ 6 tháng tuổi và 27% trẻ 1 tuổi vẫn gặp phải tình trạng thức đêm. Việc cho trẻ bú vào ban đêm là vô cùng cần thiết và tần suất bú đêm sẽ phụ thuộc vào lượng bú trong ngày và nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Và việc bú đêm hoàn toàn không liên quan đến tình trạng thức đêm của trẻ.
Đặc biệt, trẻ dưới 6 tháng tuổi cần được bú đêm nhiều hơn sơ với trẻ lớn hơn. Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã khuyến cáo rằng việc cho trẻ bú khi đói và khi mẹ căng sữa là điều cần thiết để đảm bảo sức khỏe của con và duy trì nguồn sữa ổn định và tình yêu thương gắn kết giữa mẹ và bé.
Trẻ ngủ bao nhiêu là đủ
Theo thông tin trên website của bệnh viện Từ Dũ, thời gian ngủ của mỗi đứa trẻ sơ sinh sẽ khác nhau, tuy nhiên trung bình trẻ cần ngủ 16 - 20 giờ một ngày. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 2 năm đầu đời, não bộ của trẻ vẫn đang trong quá trình thay đổi và phát triển. Do đó, giấc ngủ của trẻ sơ sinh sẽ có thể không đi theo một khuôn khổ nào. Vì vậy cha mẹ cần linh hoạt trong cách chăm con để có thể nuôi dạy con một cách tốt nhất.
Giấc ngủ vô cùng quan trọng đối với sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ. Vì vậy cha mẹ hãy hiểu rõ những kiến thức về giấc ngủ của trẻ sơ sinh để hạn chế những sai lầm, giúp quá trình chăm sóc con yêu được tốt hơn, để con có thể phát triển toàn diện trong tương lai nhé.
Đọc thêm
- Mách mẹ cách vệ sinh tai mũi miệng cho trẻ sơ sinh sạch sẽ và an toàn