Trẻ bị cảm lạnh - dấu hiệu và cách xử lý
Thời tiết giao mùa hoặc mùa đông lạnh, các bệnh lý về đường hô hấp cũng gia tăng ở trẻ em, nhất là cảm lạnh. Nhận biết các dấu hiệu trẻ bị cảm lạnh từ sớm để kịp thời đưa ra biện pháp chữa trị và chăm sóc giúp trẻ nhanh khỏi bệnh cũng như ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
1. Cảm lạnh là gì?
Cảm lạnh là bệnh do virus gây ra và có đến hơn 200 loại virus có thể gây ra tình trạng này, một trong những loại virus phổ biến nhất là Rhinovirus. Chính vì do các loại virus gây ra nên không thể dùng kháng sinh để điều trị bệnh.
Thông thường, trẻ bị cảm lạnh sẽ tự khỏi và không cần phải đến khám bác sĩ. Nhưng với điều kiện là bé phải có một thể trạng mạnh khỏe. Đối với những trường hợp trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch kém, trẻ nhỏ bị suy giảm miễn dịch có thể gặp phải biến chứng nếu không biết xử trí đúng cách và kịp thời.
2. Dấu hiệu cho thấy trẻ bị cảm lạnh
Thời gian ủ bệnh của bệnh cảm lạnh ở trẻ thường ngắn, khoảng 1 – 3 ngày, sau đó sẽ xuất hiện những dấu hiệu trẻ bị cảm lạnh đầu tiên. Các triệu chứng phổ ban đầu thường gặp gồm:
- Bé bị sổ mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi.
- Bé bị ho, đau họng.
- Nước mũi ban đầu trong, loãng, sau đó đặc dần và chuyển sang màu vàng hoặc vàng xanh.
Những ngày tiếp theo, các triệu chứng ban đầu giảm dần nhưng lại xuất hiện thêm các triệu chứng điểm hình, dễ nhận biết khác như:
- Trẻ sốt cao.
- Nôn trớ.
- Bé mệt mỏi, chán ăn, bú kém.
- Trẻ quấy khóc nhiều, chảy nước mắt.
- Ho, nghẹt mũi… khiến bé khó ngủ.
- Có thể xuất hiện hạch bạch huyết ở cổ hoặc sau đầu.
Ngoài những dấu hiệu kể trên, trẻ cũng có thể gặp phải hiện tượng tiêu chảy, nôn mửa, dễ cáu gắt, đau đầu và khó chịu, mệt mỏi. Sau đó, các chất nhầy ở mũi cô đặc lại, bé sẽ không còn khó chịu nữa.
Trẻ có thể bị cảm lạnh nhiều lần trong một năm, nhất là vào mùa lạnh (từ tháng 9 đến tháng 3, tháng 4) và những khi thời tiết thay đổi. Ở những giai đoạn này, cha mẹ cần chú ý hơn đến việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ.
3. Cách xử trí khi trẻ bị cảm lạnh
3.1. Khi phát hiện trẻ bị cảm lạnh, cha mẹ nên làm gì?
Cảm lạnh khiến bé khó chịu, mệt mỏi, vì thế cần có những biện pháp giúp giảm nhẹ triệu chứng để bé cảm thấy dễ chịu hơn. Ba mẹ hãy áp dụng những cách sau để chăm sóc bé khi con bị cảm lạnh:
- Cho trẻ uống nhiều nước/sữa hoặc đồ ăn loãng như cháo, súp, canh,…
- Giảm ho cho trẻ bằng siro ho thảo dược hoặc các bài thuốc dân gian như: chanh đào ngâm mật ong, hoa hồng bạch hấp cách thủy, massage gan bàn chân bằng dầu nóng,… (lưu ý trẻ sơ sinh không được dùng mật ong).
- Vệ sinh mũi hằng ngày cho trẻ bằng nước muối sinh lý, nước muối biển sâu hoặc hút mũi cho bé khi bé bị chảy nước mũi nhiều.
- Cho bé nghỉ ngơi nhiều nếu trẻ mệt.
- Tạo độ ẩm cho phòng của bé để con không bị khô mũi, khó thở.
- Tắm cho trẻ bằng nước ấm, trong phòng kín gió.
- Cảm lạnh ở trẻ có thể tự khỏi mà không cần phải điều trị. Tuy nhiên, ba mẹ cũng không nên chủ quan mà hãy chăm sóc bé chu đáo hơn ngày thường để con nhanh chóng khỏi bệnh.
3.2. Khi nào cần đưa bé đến gặp bác sĩ
Cảm lạnh tuy là bệnh thông thường, dễ gặp, dễ khỏi nhưng cũng không được chủ quan vì nếu không điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy khi nào thì cho bé đến gặp bác sĩ?
- Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám nếu các triệu chứng bệnh không giảm xuống sau một vài ngày. Đó là khi trẻ có biểu hiện sốt cao, nôn mửa, ớn lạnh và run rẩy, ho khan, bất kỳ biểu hiện nào của suy hô hấp, mệt mỏi cực độ. Đây là những dấu hiệu cho thấy trẻ bị cúm hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn.
- Nếu trẻ bị hen suyễn, tiểu đường hoặc các bệnh mạn tính khác, hãy đến gặp bác sĩ Nhi khoa để được tư vấn loại thuốc điều trị phù hợp.
- Phụ huynh cũng nên theo dõi các biến chứng của bệnh cúm như viêm phổi. Các triệu chứng bao gồm sốt nhẹ (dưới 102 độ F), ho ra chất nhầy, đau nhức, khó thở hoặc thở nhanh và mệt mỏi. Liên hệ với bác sĩ Nhi khoa ngay lập tức khi có bất cứ triệu chứng nào xuất hiện.
4. Phòng ngừa cảm lạnh cho trẻ như thế nào?
Virus cảm lạnh cũng có thể lây lan từ người này sang người khác qua vật trung gian. Chúng có thể sống trên vật trung gian khoảng vài tiếng. Vì thế, cần phải hạn chế để trẻ sờ vào các vật dụng mà nhiều người có thể chạm vào như tay nắm cửa, lan can cầu thang, điều khiển,…
Rửa tay: Đây là cách rất tốt để phòng nhiều bệnh do virus, vi khuẩn gây ra, trong đó có bệnh cảm lạnh. Mẹ nên dạy cho con cách giữ vệ sinh trước mỗi bữa ăn bằng cách rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt cần phải rửa tay đúng cách mới có thể mang lại tác dụng diệt khuẩn tốt và phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Khi phát hiện trẻ bị cảm lạnh không nên để trẻ tiếp xúc với trẻ khác hoặc những người khác để hạn chế nguy cơ lây bệnh.
Dạy trẻ cách che miệng khi hắt hơi, ho và xì mũi bằng khăn giấy. Sau khi hắt hơi, ho, mẹ nên nhắc nhở trẻ rửa tay bằng xà phòng để loại bỏ vi khuẩn.
Qua bài viết này, vi chất cho bé đã giúp ba mẹ đã nắm bắt được các dấu hiệu trẻ bị cảm lạnh để phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho bé nhanh khỏi cũng như tránh được nguy cơ biến chứng nặng.
Đọc thêm